các món ngon ngày tết

Các món ngon ngày Tết 3 miền Bắc, Trung, Nam dễ nấu & ngon miệng

Món ngon ngày Tết nào giúp mâm cỗ gia đình thêm phong phú và ý nghĩa? Cùng Thực Đơn Eat Clean tham khảo ngay những món ăn ngon trứ danh chuẩn vị Tết 3 miền Bắc – Trung – Nam để chuẩn bị đón xuân 2024 sắp đến nhé.


Các món ăn ngon ngày Tết giúp mâm cỗ gia đình thêm ý nghĩa

Món ngon ngày Tết miền Bắc

Với phong tục miền Bắc, mâm cỗ ngày Tết luôn cần phải được chuẩn bị công phu và đẹp mắt. Mâm cỗ tươm tất, chỉn chu thể hiện tấm lòng thành kính dâng lên ông bà tổ tiên và những người đã khuất. Trải qua thời gian, đến nay mâm cỗ miền Bắc ngày đầu năm vẫn giữ đúng bản chất, nét cổ truyền dân tộc với những món ăn truyền thống quen thuộc.

Bánh chưng

Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể nào thiếu ngày Tết của người Việt. Cách làm bánh chưng đơn giản, bánh được làm từ gạo nếp kết hợp nhân đậu xanh, thịt lợn tượng trưng cho sự hòa quyện của đất trời. Đồng thời, bánh chưng mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn đất trời đã ban cho một năm mưa thuận gió hòa, ước muốn cầu mong cuộc sống ấm no.

Chiếc bánh chưng bày lên bàn thờ trong ngày đầu năm còn thể hiện tấm lòng hiếu kính của con cháu. Đây cũng là nét đẹp văn hóa lâu đời và đáng tự hào của dân tộc ta.

Xôi gấc

Trên mâm cơm dâng ông bà tổ tiên ngày Tết của gia đình miền Bắc cũng không thể nào thiếu đi xôi gấc. Xôi gấc có màu đỏ bắt mắt, tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Không chỉ có hình thức cuốn hút, hương vị hòa quyện hấp dẫn mà xôi gấc còn có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng vitamin A tốt cho sức khỏe của mắt.

Xem thêm: cách làm xôi gấc ngon, đỏ hấp dẫn

Giò thủ

Giò thủ giòn dai, giòn sần sật là món ngon ngày Tết miền Bắc. Giò thủ là sự kết hợp hoàn hảo của các phần tai, lưỡi, mũi, thịt giò nạc, chân giò… cùng nấm mèo, tiêu hạt. Giò thủ có cách làm tương đối cầu kỳ, thời gian bảo quản được lâu. Ngoài Tết, giò thủ còn được dùng đãi khách trong những dịp quan trọng khác.

Thịt đông

Làm nên không khí Tết ở khu vực Bắc Bộ phải kể đến món thịt đông. Thịt đông mềm, ngọt, trong veo đẹp mắt khiến người ăn phải “xiêu lòng”. Giữa tiết trời se lạnh, thưởng thức thịt đông kèm dưa cải chua, bát cơm nóng thì còn gì tuyệt vời bằng.

Dưa hành

Dưa hành là món ăn dân dã, quen thuộc và dễ làm, thường dùng ăn kèm trong ngày Tết. Dưa hành có vị chua, mặn vừa phải, không có mùi hăng, giòn giòn cực kích thích vị giác. Trong cuộc sống hiện đại, mâm cơm ngày Tết càng phong phú với các món thịt, cá. Sự hiện diện của dưa hành sẽ là giải pháp “chống ngán” hiệu quả.

Miến măng gà

Để mâm cơm ngày đầu năm thêm đặc sắc, một số gia đình miền Bắc còn có món miến măng gà. Sợi miến dai mềm, nước dùng có vị ngọt tự nhiên của thịt gà quyện cùng vị nhẫn nhẹ của măng khô đem đến trải nghiệm vị giác tuyệt vời cho người thưởng thức. Ngoài chế biến trong ngày Tết, miến măng gà cũng là món ăn được dùng trong bữa ăn hằng ngày để đổi mới thực đơn.

Nem rán

Nhắc đến các món ăn ngày Tết không thể nào bỏ qua nem rán. Nem rán có vẻ ngoài vàng ươm đẹp mặt, lớp vỏ giòn rụm, phần nhân thấm vị đậm đà. Nem rán thường được làm từ các nguyên liệu chính như thịt lợn, nấm hương, mộc nhĩ, cà rốt… Dùng nem rán kèm với bát nước mắm chua ngọt khơi dậy vị giác, chinh phục mọi người ăn.

Các món nộm miền Bắc

Trong ngày Tết, các món nộm chua ngọt đậm vị kiểu Bắc luôn được săn đón. Bởi sự kết hợp giữa các loại rau củ tạo nên cảm giác thanh mát, vừa giải ngấy những món dầu mỡ vừa cân bằng dinh dưỡng. Nộm khô bò, nộm chân gà, nộm hoa chuối, nộm sứa… là một số món thường được chế biến trong dịp Tết ở nhiều gia đình.

Chân giò hầm măng khô

Chân giò hầm măng là món ăn giàu giá trị dinh dưỡng. Đây là món ăn truyền thống quen thuộc gợi sự ấm áp trong những ngày xuân sum vầy. Chân giò hầm mềm có vị béo ngậy, măng khô giòn sần sật thấm nước dùng đậm đà. Cùng với đó, cách chế biến món ăn này cũng khá đơn giản, không cầu kỳ nên được nhiều người yêu thích.

Thịt gà luộc

Thịt gà luộc là món ăn không thể nào thiếu trên mâm cỗ của gia đình Việt, đặc biệt là vào dịp Tết. Món ăn này tượng trưng cho cuộc sống ấm no, sung túc. Đĩa gà luộc vàng ươm, căng bóng, thịt mềm, da dai cũng là món ngon mời khách ngày Tết hấp dẫn.

Món ngon ngày Tết miền Nam

Nam Bộ là vùng đất nổi tiếng với nền ẩm thực đặc sắc, phong phú. Bởi nơi đây có nền kinh tế phát triển, đa văn hóa, ẩm thực cũng có sự du nhập từ nhiều nơi. Mâm cỗ trong những ngày đầu năm của gia đình Nam Bộ cũng đa dạng, thơm ngon mà không kém phần bổ dưỡng.

Bánh tét

Cùng với bánh chưng, bánh tét cũng là món ăn quan trọng làm nên hương vị ngày Tết cổ truyền. Bánh tét cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho sự ấm no. Cách làm bánh cũng cần sự khéo léo, tỉ mỉ. Bánh tét ngày Tết ở Nam Bộ thường có nhiều loại khác nhau như bánh mặn, bánh ngọt, bánh chay, bánh nhân thập cẩm, bánh không nhân…

Các món gỏi miền Nam

Gỏi đu đủ, gỏi su hào, gỏi gà hoa chuối, gỏi vịt rau bắp cải, gỏi gà rau răm… là những món gỏi miền Nam được yêu thích trong ngày Tết. Những món ăn này hỗ trợ tiêu hóa tốt lại có hương vị thanh mát.

Lạp xưởng

Lạp xưởng là món ngon ngày Tết miền Nam không thể vắng trên mâm cỗ. Lạp xưởng có màu đỏ hồng đẹp mắt, hương vị béo, thơm gia vị, rượu Mai Quế Lộ, khi ăn dai giòn sần sật.

Lạp xưởng có nhiều loại, phổ biến là lạp xưởng khô, lạp xưởng tươi, lạp xưởng tôm, lạp xưởng cá… Bạn có thể chế biến theo các phương thức luộc, chiên, nướng… để mâm cỗ gia đình thêm phong phú hơn.

Dưa giá

Dưa giá được làm từ các nguyên liệu đơn giản như giá đỗ, hẹ, cà rốt, bắp cải, rau cần… Dưa giá được xem là món ăn kèm “siêu đỉnh” trong ngày Tết giúp chống ngán hiệu quả. Đặc biệt, dưa giá còn cung cấp nhiều vitamin, chất xơ kích thích hệ tiêu tiêu hóa giúp bạn tận hưởng ngày vui thêm vẹn tròn.

Thịt kho tàu

Mỗi dịp Tết đến, trong gian bếp của các gia đình miền Nam không thể nào thiếu đi nồi thịt kho tàu thơm béo. Sự kết hợp giữa trứng, thịt, nước dừa hòa quyện tạo nên hương vị đậm đà, cuốn hút. Hình ảnh thịt được thái miếng vuông, trứng to tròn mang ý nghĩa “vuông tròn đều đặn, mọi sự bình an”, cầu mong năm mới phúc lành đong đầy.


Thịt kho tàu có màu sắc bắt mắt, hương vị đậm đà

Canh khổ qua nhồi thịt

Canh khổ qua nhồi thịt là một trong các món canh ngon cho ngày Tết ở miền Nam. Món canh  này mang nhiều giá trị dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Đây cũng là món ăn thanh mát, hỗ trợ giải nhiệt hiệu quả trong những ngày nắng nóng. Món ăn này mang ý nghĩa bỏ qua những điều không may mắn, khổ đau của năm cũ phía sau và đón chào những niềm vui đến trong năm mới.

Củ kiệu tôm khô

Vào ngày Tết, người miền Nam thường mua kiệu về chế biến ăn kèm cơm hoặc làm mồi nhâm nhi ly rượu xuân. Trong đó, phải kể đến món củ kiệu tôm khô trứ danh. Món ăn này vừa đơn giản lại có thể bảo quản được lâu. Thông thường, củ kiệu tôm khô thường dùng ăn kèm bánh chưng, bánh tét, thịt nguội… đều rất ngon miệng.

Canh măng

Thưởng thức bát canh măng ngọt mát, khiến ai cũng sẽ thích mê khi đón Tết trong miền Nam. Đặc biệt, món ăn này cũng chứa hàm lượng chất xơ và vitamin khá cao. Điều làm nên hương vị khác biệt so với canh măng miền Bắc là người dân Nam Bộ dùng măng tươi để nấu canh.

Chả giò

Chả giò chiên vàng ươm, có lớp vỏ ngoài vàng giòn, nhân bên trong được làm từ các loại rau củ hòa quyện gia vị. Khi ăn, chấm chả giò kèm tương ớt hoặc bát nước mắm chua ngọt và ít rau sống. Chắc chắn, món ăn sẽ chinh phục bất kỳ vị khách nào đến thăm nhà chúc Tết. Cách làm chả giò – món ngon ngày Tết miền Tây khá linh hoạt, dễ dàng biến tấu theo từng gia đình.

Mứt dừa

Sợi mứt dừa dẻo, thơm, mềm vẫn giữ được độ giòn nhất định, thấm đường ngọt thơm là “đặc sản” nhà nào cũng có trong dịp Tết. Ngày nay, mứt dừa đã có nhiều phiên bản biến tấu khác nhau tạo nên món ăn mang nhiều hương vị mới lạ tiếp đãi khách.

Món ngon ngày Tết miền Trung

Mâm cơm ngày Tết tại miền Trung cũng không hề thua kém miền Bắc và Nam về độ hấp dẫn và đặc sắc. Tré, nem chua, chả bò, thịt heo ngâm mắm… là những món ngon mang đậm hương vị Tết ở dải đất miền Trung.

Tré

Tré có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đất Bình Định. Tuy nhiên, có rất nhiều gia đình miền Trung dùng tré trên mâm cơm ngày Tết. Thông thường, tré được dùng phổ biến để làm các món gỏi hoặc ăn không. Tré có vị chua nhẹ kích thích vị giác, hòa cùng vị béo của thịt heo đem lại trải nghiệm vị giác thú vị.

Bạn có thể ăn tré kèm với tương ớt, chắc chắn vị cay sẽ càng làm bùng thêm vị ngon của món ăn này.

Chả bò

Chả bò là món ăn trứ danh của Đà Nẵng. Ngày Tết ở các tỉnh miền Trung cũng thường có đĩa chả bò được xếp đẹp mắt, tươm tất. Từng miếng chả dai, đậm vị tự nhiên của thịt bò hòa cùng vị béo của thịt heo mỡ khiến người ăn mê say. Đừng quên chấm chả bò kèm ít muối tiêu cay nồng để cảm nhận trọn vẹn hương vị chả bò nhé.

Thịt heo ngâm mắm

Thịt heo ngâm mắm là món ăn đặc trưng của miền Trung thân thương. Đây cũng là một trong những các món ngon từ thịt lợn cho ngày Tết thơm ngon. Vị mặn của nước mắm và ngọt của đường, cay nhẹ của ớt thấm đều trong từng thớ thịt săn chắc tạo nên món ăn đậm đà.

Thịt heo ngâm mắm thường được ăn kèm với cơm nóng, xôi, bánh chưng, bánh tét hoặc cuốn cùng rau sống cũng đều ngon đúng điệu.

Dưa món

Nếu ở miền Bắc có dưa giá, miền Nam có củ kiệu tôm khô thì người miền Trung có dưa món ngày Tết. Dưa món được làm từ các nguyên liệu cà rốt, củ cải, đu đủ, dưa leo, củ kiệu… được ngâm chua, thấm vị mặn và giữ được độ giòn giòn. Dưa món thường dùng ăn kèm với bánh chưng, bánh tét giúp hương vị ngày Tết của gia đình thêm phong phú.

Nem chua

Nem chua là món ăn nổi tiếng, nhâm nhi ngày Tết của vùng miền Trung. Nem chua được làm từ thịt heo, lá đinh lăng thêm các loại gia vị ớt, tỏi cuộn bằng lớp lá ổi rồi đến lá chuối càng, có hương vị chua, cay nhẹ ngay đầu lưỡi. Điều đặc biệt, người miền Trung thường tự làm nem chua tại nhà và rất ít khi bạn tìm thấy món ăn này ngoài chợ.

Tôm chua

Tôm chua là món ăn nổi tiếng của xứ Huế. Nếu có dịp đón Tết tại đây, chắc chắn bạn sẽ không lạ lẫm khi thấy tôm chua xuất hiện trên mâm cỗ. Tôm chua có vị ngọt bùi của tôm, béo ngậy của thịt hòa quyện cùng vị cay của riềng, tỏi, ớt… kích thích vị giác người ăn. Ngoài ra, tôm chua vừa ngâm chín tới có màu đỏ hồng vô cùng đẹp mắt.

Bắp bò kho mật mía

Hương vị Tết miền Trung còn kết tinh trong món bắp bò kho mật mía – món ăn nổi tiếng của Nghệ An. Bắp bò kho theo cách này vừa mềm béo vừa thấm vị ngọt đậm đà của mật mía, thơm cay nồng của gừng, ớt. Vì thế, đây cũng được xem là món lai rai ngày Tết không thể nào bỏ lỡ khi đón Tết tại miền Trung đâu nhé.

Xôi đậu xanh

Đĩa xôi đậu xanh vàng tươi đẹp mắt là hình ảnh thân thuộc đối với người dân miền Trung. Xôi đậu xanh mềm dẻo, ngọt bùi không chỉ ngon miệng mà còn giúp giải nhiệt tốt. Đĩa xôi đậu xanh đầy vuông trên mâm cơm cúng, tỏa hương thơm đặc trưng của nếp và đậu xanh mang ý nghĩa cầu mong năm mới đầy đủ, ấm no và sung túc.

Thịt heo kho củ cải

Không chỉ là món ăn ngon ngày Tết, thịt heo kho củ cải còn thường được chế biến quen thuộc trong các gia đình miền Trung. Với hương vị đậm đà, thịt heo kho củ cải cực đưa cơm trắng, giúp bữa cơm năm mới càng thêm ấm cúng bên người thân.

Bánh thuẫn

Ngày Tết của người miền Trung từ xưa đến nay đều không thể thiếu món quà quê bánh thuẫn. Bánh thuẫn hay còn được gọi là bánh thửng, được làm từ nguyên liệu chính là bột mì và trứng gà. Bánh thuẫn cũng là vật phẩm đặt trang trọng trên bàn thờ ngày đầu năm. Đây cũng là món ăn gợi nhớ đến tuổi thơ của nhiều người, khiến ai xa quê cũng nôn nao về quê đón Tết thưởng thức lại hương vị chiếc bánh bình dị.

Một số cách chọn thực phẩm an toàn cho ngày Tết

Bên cạnh việc lựa chọn món ngon ngày Tết để chuẩn bị thì vấn đề an toàn thực phẩm cũng được rất nhiều người chú ý. Thucdoneatclean.net chia sẻ một số mẹo chọn thực phẩm ngon, sạch giúp các hội chị em thêm an tâm.

Mứt, hạt dưa

  • Với mứt, bạn chọn mua loại có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng. Kiểm tra mứt, hạt dưa không bị mốc, có mùi hôi lạ. Để đảm bảo an toàn, bạn có thể tự mua nguyên liệu và tự làm tại nhà.
  • Với hạt dưa, bạn nên chọn có màu đỏ nâu tự nhiên (loại màu đỏ tươi thường là do tẩm nước màu). Chọn hạt dưa có kích thước, màu sắc đồng đều nhau, không chọn hạt dưa có mùi ẩm mốc. Cách phân biệt hạt dưa có ngâm phẩm màu đơn giản là ngâm 1 hạt trong miệng rồi lấy ra dùng tay xoa nhẹ lớp vỏ.

Rau củ quả

  • Chọn rau củ theo mùa của địa phương, ưu tiên những loại rau củ có màu sắc tự nhiên. Vì những rau, củ, quả có màu sắc tươi tốt, phát triển quá lớn có thể đã tưới qua chất kích thích.
  • Không chọn rau củ quả có dấu hiệu héo, bị dập nát hay có mùi lạ như vậy sẽ rất khó để bảo quản được lâu.
  • Không chọn củ, quả đã mọc mầm, vì một số loại rất nguy hiểm với sức khỏe chẳng hạn như khoai tây.

Rượu nội/ngoại nhập

  • Rượu ngày Tết rất dễ bị làm giả nên khi chọn mua bạn nên ưu tiên những cơ sở uy tín hoặc quen biết nếu là rượu tự nấu tại nhà.
  • Đối với rượu đóng chai, bạn cần kiểm tra tem nhãn, có thể lắc nhẹ để xem độ bám của rượu vào thành chai.
  • Với rượu tự làm tại nhà, bạn lưu ý nồng độ cồn càng cao thì mùi rượu càng nồng.

Bánh kẹo/trái cây nhập khẩu

  • Với bánh kẹo, bạn cần xem xét kỹ càng thương hiệu. Không nên vì chuộng hàng nhập mà chọn sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.
  • Với trái cây nhập khẩu, bạn cần chọn loại theo mùa của nơi được nhập về. Kiểm tra các ký hiệu trên sản phẩm như mã vạch, tem là điều cần thiết. Nếu mua tại cơ sở cung cấp, bạn có thể xét độ tin cậy của thương hiệu bằng giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch thực vật tại nước xuất khẩu, tờ khai hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, trái cây nhập khẩu thường có màu sắc tự nhiên, mùi thơm đặc trưng nổi bật.

Tạm kết

Trên đây là gợi ý các món ngon ngày Tết 3 miền Bắc – Trung – Nam. Hy vọng qua đây, bạn sẽ có thể lựa chọn được những món ăn phù hợp để lên thực đơn đón Tết 2024 sắp đến. Với những món ăn màu sắc, thơm ngon, ý nghĩa, chúc bạn sẽ có mâm cỗ ngày Tết trọn vị và ấm cúng bên gia đình nhé.